Thứ Năm, 6 tháng 8, 2015

Chữa vẩy nến ở trẻ em cần lưu ý những gì?

Tỷ lệ trẻ em mắc bệnh vẩy nến thấp hơn so với người lớn. Tuy nhiên trẻ em là độ tuổi dễ bị tổn thương tâm lý, tự ti, mặc cảm. Vì thế cha mẹ trẻ cần biết một số lưu ý khi chăm sóc trẻ bị vẩy nến.

Chữa vẩy nến cho trẻ có khó không?

Vẩy nến là bệnh da có vẩy thường gặp ở cả người lớn và trẻ em. Bệnh lành tính, thường không gây nguy hiểm tính mạng nhưng lại ảnh hưởng đến thẩm mĩ, tâm lý, làm người bệnh mất tự tin khi giao tiếp. Có nhiều nguyên nhân gây bệnh vẩy nến ở trẻ em nhưng nguyên nhân hàng đầu là do di truyền. Nếu trong gia đình có người thân đã từng mắc bệnh vẩy nến thì trẻ cũng có nguy cơ cao mắc bệnh.
Biểu hiện của bệnh vẩy nến là các dát đỏ có vẩy trắng, cạo ra thấy giống như sáp nến, thường ở những vùng tỳ đè như khuỷu tay, đầu gối. Vẩy ở trẻ em có xu hướng ít bong tróc hơn ở người lớn, thường đỏ tươi và bóng.
Chữa vẩy nến cho trẻ không khó, chỉ cần tuân thủ các hướng dẫn của bác sỹ. Tuy nhiên, điều khó khăn là giúp trẻ có thể hòa nhập với bạn bè xung quanh, giúp tăng chất lượng cuộc sống của trẻ.
 
Chữa vẩy nến ở trẻ em cần những lưu ý đặc biệt

Lưu ý khi chữa bệnh vẩy nến cho trẻ em

Khi thấy trẻ có các dấu hiệu bị vẩy nến, gia đình cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế chuyên khoa da liễu để được kiểm tra, chẩn đoán chính xác bệnh. Từ đó, bác sĩ sẽ có những xử trí và điều trị thích hợp. Bên cạnh việc tuân thủ các chỉ định của bác sĩ, người nhà của trẻ cũng cần quan tâm chăm sóc cả thể chất và tâm lý cho trẻ, để trẻ không mặc cảm, tự ti về căn bệnh của mình:
-         Động viên trẻ sinh hoạt bình thường, tự tin khi hoạt động, giao tiếp. Nhấn mạnh rằng đây là một bệnh, không phải lỗi của trẻ.
-         Thông báo cho giáo viên để giáo viên có thể giúp trẻ hòa nhập tốt ở trường. Nói rõ để giáo viên và các bạn trong lớp hiểu vẩy nến không phải là một bệnh truyền nhiễm, không lây từ người này sang người khác được.
-         Cho trẻ mặc quần áo, đồ lót thoáng mát (chất liệu cotton), phòng ngủ, chăn ga của trẻ phải sạch sẽ, thoáng mát.
-         Giúp trẻ tạo thói quen dùng thuốc đúng theo chỉ dẫn của bác sỹ, sử dụng kem dưỡng ẩm. Nhắc nhở trẻ không gãi, cào vẩy da.
-         Chú ý chế độ ăn uống cho trẻ: hạn chế thịt, sữa, đồ ăn cay nóng, đồ chiên xào, tăng cường ăn các loại rau, hoa quả, uống nhiều nước.
-         Chú ý các yếu tố có thể làm bệnh nặng thêm: nắng gắt, stress, ...
Một số trường hợp bệnh vẩy nến sẽ hết khi trẻ lớn lên, nhưng phần lớn trường hợp trẻ phải sống chung với bệnh suốt đời. Vì vậy, gia đình cũng cần chuẩn bị tâm lý cho trẻ để trẻ có thể sống và hòa nhập một cách tốt nhất.
Thu Hà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét